Another way of telling

Archive for March, 2009

Nhảm bàn về cái “Đẹp” trong ảnh Phố

000036-r60

Chúng ta vẫn thường hô hào nhau đi săn con “Ạt” nhưng ít khi ngồi lại để mổ xẻ, tìm hiểu các đặc tính của loài động vật phi vật thể này. Thế nào là một con “Ạt” đẹp? Hãy thử bắt đầu bằng một danh từ chung.

Nghệ thuật

Cách đây khá lâu, khi mà chúng tôi bàn tới việc nâng cao chất lượng ảnh tại VNPhoto. Khi đấy, nhiều ý kiến cho rằng cần thành lập một cái gọi là “Ủy ban thẩm định chất lượng” để xét duyệt ảnh trước khi cho public lên gallery. Có khá đông người tán thành nhưng XL không nằm trong số đó, XL nói riêng với tôi rằng “làm quái có cái gì gọi là chất lượng với nghệ thuật để mà thẩm định”. Tôi hơi sững lại bởi cái nhận định mà cảm giác bấy giờ của tôi là hơi phũ phàng đó. Uhm… nghệ thuật nó là cái quái gì mà nhiều khi khiến cả thế giới thực lẫn ảo giẫm đạp lên nhau?

Nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt (Từ điển tiếng Việt). Do đó, theo tôi, nghệ thuật trong nhiếp ảnh cũng chỉ là một xu hướng thẩm mĩ của một nhóm người trong một giai đoạn nào đấy. Trước đây tôi đã từng nhảm ở đâu đó rằng “Nghệ thuật giống như một hình chóp, hễ càng lên cao thì mặt cắt lại càng hẹp”. Nghĩ lại, ở một góc độ nào đấy thì đó là những câu phét lác uyên bác nhất mà tôi đã từng viết ra.

Hãy tiếp tục bằng vài nhận định về ảnh Phố. Trong ảnh Phố, một tấm ảnh tốt thường là tấm ảnh để lại những ấn tượng tốt về mặt thị giác đối với người xem, nó sẽ đi xa hơn nếu nó có những ảnh hưởng tương tự về mặt cảm xúc. Mỗi tấm ảnh giống như một câu chuyện, nó thường hay hơn, day dứt hơn khi nó có một kết cục mở. Trực tiếp hơn là nó mở về cảm xúc, nó để lại cho người xem những suy nghĩ mà không buộc các suy nghĩ đấy phải giống nhau. Điều đấy đúng mà chẳng chỉ riêng với ảnh  Phố vì có sao đâu khi tôi kết cô hoa hậu x ở ánh mắt trong khi các bạn lại mê mệt bởi đôi môi, quan trọng là chúng ta đều thích cô đấy đúng không. Ngay cả khi một bạn nào đấy thích cô á hậu y, còn một bạn khác thì lại thích cô ớ hậu z… cũng chả sao sất… Có điều, dù sao thì chúng ta cũng phải thống nhất với nhau một điểm rằng các cô đấy đều không thể thấp hơn 1.6 mét”. Cái đẹp dù có mông lung thế nào thì ít nhiều nó cũng có những ước lệ và chuẩn mực nhất định. Vậy đâu và cái gì hình thành nên những chuẩn mực và ước lệ đấy?

Khuôn mẫu – Paradigm

Ngót hai mươi năm về trước tôi biết đến bài học về khuôn mẫu đầu tiên từ một cuốn sách khá nổi tiếng của Stephen R. Covey là “The Seven Habits of Highly Effective People”. Tôi đã phải mua nó nhiều lần bởi với tôi đó là món quà thật tuyệt vời để dành tặng cho những ai mà tôi yêu mến. Thật tiếc, lúc này đây khi mà tôi cần đến nó để lấy một số hình minh họa cho bài viết này thì trên giá sách của tôi không còn một cuốn nào nữa cả. Đành vậy, hi vọng với những gì ít ỏi tôi kiếm được trên nét sẽ đủ để giúp chúng ta hiểu về Paradign.

Bạn sẽ thấy một bà già, rất già khoác chiếc áo lông thú và chùm đầu bằng một cái khăn von trắng. Mũi bà rất to và mắt rất sâu đúng không? Ồ theo tôi bà ta giống một mụ phù thủy trong những câu chuyện cổ tích mà tôi từng đọc khi thơ bé. Còn bạn thì sao? Hãy nhấn chuột vào link dưới vài giây rồi quay lại với bài viết này nhé.

Mụ phù thủy

Nào, bây giờ thì chúng ta tiếp tục với một cô gái tuyệt đẹp với gương mặt thanh tú và chiếc vòng cổ cao sang. Tôi đoán cô đấy chỉ tầm đôi mươi thôi. Còn bạn?

Kiều nữ

Sao vậy? bạn đang định gửi mail cho tôi để nhắc nhở rằng link ảnh bị sai à? Không phải đâu, bạn mới là người đang sai đấy. Nếu chưa nhận ra thì hãy xem lại thêm một lần nữa đi.

Vâng, đây là một suất giảng khá nổi tiếng của Stephen R. Covey. Theo nguyên bản thì ông đã sửa dụng hai bức tranh không hoản chỉnh được lấy lại một vài đường nét chính trong bức ảnh mà các bạn vừa xem. Sau khi tách lớp làm hai và cho mỗi bên xem một bức thì kết quả là một cuộc cãi lộn khi họ trở về phòng học với bức vẽ hoàn chỉnh trên tay ông.

The professor then asked one student to explain what he saw to a student on the opposite side of the room. As they talked back and forth, communication problems flared up.

“What do you mean, ‘old lady’? She couldn’t be more than 20 or 22 years old!
“Oh, come on. You have to be joking. She’s 70 — could be pushing 80!”
“What’s the matter with you? Are you blind? This lady is young, good looking. I’d like to take
her out. She’s lovely.”
“Lovely? She’s an old hag.

Từ khi sinh ra chúng ta bắt đầu biết thu nhận thông tin qua các kênh khác nhau như: nhìn, nghe, đọc… hệ quả của quá trình thu nhận thông tin đó sẽ hình thành trong mỗi chúng ta những “khuôn mẫu” khác nhau theo các cách khác nhau nhưng thường có chung một số nguyên tắc như: Cái gì được nhiều người công nhận thì chúng ta sẽ cho là đúng, những gì được lặp đi lặp lại cũng vậy. Ngoài ra chúng ta còn có các khuôn mẫu của riêng mình do quá trình tự logic và đúc kết mà có. Các khuôn mẫu chi phối hành vi của chúng ta và khi nhìn cũng vậy. Những effect luôn phụ thuộc vào sự hiểu biết của chúng ta chứ không hẳn là bản chất của cái chúng ta nhìn nó thế.

Kí ức hình ảnh

Nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật mà người ta sử dụng hình ảnh để giao tiếp, thông qua thị giác người xem nhận biết được thông tin trong tấm ảnh đó nhưng cảm xúc thì lại bị chi phối bởi những kí ức hình ảnh. Một tấm ảnh mà bạn lưu tâm thường là tấm ảnh trực/gián tiếp làm sống lại kí ức trong bạn và cảm xúc thì phụ thuộc vào “Khuôn mẫu cảm xúc” từ những “Kí ức hình ảnh” mà bạn đã có. Ví dụ đơn giản, bạn sẽ có cảm giác nóng khi thấy màu đỏ và mát khi nhìn vào màu xanh. Những cảm giác đó bị ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên đã cho bạn những “khuôn mẫu” như thế.  Tôi muốn dùng cụm từ “kí ức hình ảnh” hơn là “kí ức thị giác” mà bạn TinhTang đã từng dùng bởi theo tôi thì kí ức hình ảnh người ta còn có thể có được không chỉ thông qua thị giác mà còn từ nhiều kênh khác nữa.

Chợ tết – Đoàn Văn Cừ

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ gìa chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng nghộ nghĩnh đuổi theo sau
Sương trắng giỏ đầu cành như giọt sữa.

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ

Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ
Để lắng nghe người khách nói bô bô
Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ
Tìm đến chỗ đông người ngồi dọn bán

Một thày khóa gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu

Áo cụ lý bị người chen lấn kéo
Khăn trên đầu đương chít cũng bung ra
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi

Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa
Những mẹt cau đỏ chót tựa son pha
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết

Con gà trống màu thâm như cục tiết
Một người qua cầm cẳng dốc lên xem
Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm
Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh

Trên con đường đi các làng hẻo lánh
Những người quê lũ lượt trở ra về
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ

Tôi không biết với các bạn trẻ bây giờ thì văn học ảnh hưởng như thế nào đến với họ, nhưng ở thế hệ chúng tôi hẳn mỗi người đã có được nhiều những “kí ức hình ảnh” thông qua các tác phẩm văn học nói chung. Tất nhiên, những kí ức đó là không hoàn toàn giống nhau bởi nó phụ thuộc vào sự trải nghiệm của mỗi người.

Máy ảnh – Con mắt thứ ba

Những gì mắt thường chúng ta nhìn thấy và sản phẩm từ chiếc máy ảnh có giống nhau không? Câu trả lời là không.

• DOF (Depth of Field): Đầu tiên tôi thú nhận với các bạn rằng tôi rất dốt những môn tự nhiên, tôi biết sơ qua về các bộ phận và cấu tạo của mắt người nhưng với lượng kiến thức ít ỏi đấy chắc chắn không đủ để giải thích cho các bạn rằng vì sao DOF của mắt người lại luôn rất lớn. Tuy vậy, tôi nghĩ đó không phải là vấn đề quan trọng bởi bài viết này chỉ nhằm chỉ ra các sự khác biệt chứ không phải là giải thích tại sao chúng lại như thế. DOF trong nhiếp ảnh là cụm từ biểu thị độ rõ nét của trường ảnh, trong nhiều trường hợp nó được sử dụng để xóa mờ tiền cảnh hay hậu cảnh với các mục đích riêng mà mắt thường chúng ta không nhìn thấy như thế.

• Blur: Các hiệu ứng hình ảnh do đối tượng chuyển động quá nhanh (chụp chậm) hoặc kĩ thuật panning tạo ra khiến một phần hoặc toàn bộ tấm hình bị mờ nhòa.

• Distortion: Sự bóp méo hình ảnh do các hiệu ứng của super wide, fisheyes lens.

• Màu sắc: Không phải lúc nào, mọi tấm hình đều cho màu sắc trung thực giống như những gì mắt chúng ta nhìn thấy. Nhưng theo tôi cũng chả sao, như tôi đã từng nhảm ở đâu đấy “nếu xem việc sai lệch màu sắc là một sự dối trá thì ảnh đen trắng chính là một sự giả dối được ưa chuộng nhất qua mọi thời đại”.

Còn, còn rất nhiều các ví dụ để minh chứng cho sự khác biệt này. Ví dụ như góc nhìn của mắt người là 180° trong khi máy ảnh thì sử dụng nhiều ống kính với các góc nhìn khác và sản phẩm cuối cùng thường là một hình tứ giác. Sắc độ cũng thế, dark room hay Photoshop cũng thường đưa ra một kết quả khác thực tế. Vậy như thế có sao không? Theo tôi là không. Chúng ta vẫn thường hạ bút với muôn vàn nét viết khác nhau thì tại sao người cầm máy lại không được quyền phóng tác? Chữ đẹp chỉ có hiệu ứng đối với thị giác, nội dung quan trọng hơn và nhiếp ảnh cũng tương tự như vậy.

Nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật nhưng nó được thể hiện thông qua sản phẩm của khoa học. Thật khó cho những ai muốn đi sâu vào nó với không sự hiểu biết nào về thiết bị cũng như kĩ thuật thể hiện. Nhiếp ảnh có cách nói, ngôn ngữ riêng mà ở một mức độ nào đấy người ta buộc phải học mới có thể giao tiếp. Bước vào với thế giới của những người có con mắt thứ ba thì cách tốt nhất là học xem họ nhìn như thế nào, đừng ngại trùng lặp vì thông thường người ta buộc phải nhìn giống trước khi có thể nhìn khác.

Kết nhảm

Khuôn-mẫu chủ quan gắn cảm-xúc vào kí-ức-hình-ảnh nhưng con-mắt-thứ-ba lại là lối đi riêng của những kẻ yêu thích sự nhìn. Vì thế, ở một chừng mực nào đấy thì ảnh Phố không có chỗ cho tất cả mọi người. Nếu xem tác phẩm, tác giả và công chúng là chiếc kiềng ba chân để tạo nên sự cân bằng cho bộ môn nghệ thuật này thì cái nồi lẩu ảnh Phố dẫu có thơm phức nhưng lại luôn bị nghiêng vơi do cái phía công chúng thường quá thấp.

Đứng từ góc độ của nghệ thuật hình ảnh thì mọi con chữ  đều trở nên trơ trẽn và  sặc mùi lí thuyết, ngay cả khi nó đưa ra được những kĩ thuật tư duy thì chúng cũng chỉ đóng vai trò dẫn dụ. Thông tin trong một tấm ảnh được người ta nhận biết qua lí trí còn cảm xúc thì là sản phẩm có được sau tấm lọc nhân sinh quan hay nói đơn giản hơn đó chính là vốn sống của mỗi người. Ảnh là ảo nên thật khó và nhảm về nó cũng không dễ.

Son Doan.